Lịch sử Đông Á Nữ_quan

Trung Quốc

Ban Chiêu, thầy dậy của Thái hậu Đặng Tuy, người được đương thời gọi là Tào Đạo cô.

Chế độ "Nữ quan" là cơ cấu rất đặc biệt trong các nước theo thể chế Hoa Hạ, đều bắt nguồn từ Trung Quốc. Từ đời nhà Chu, sự hình thành nữ quan đã có biểu hiện. Sách Lễ ký, thiên “Hôn nghĩa” ghi rõ: 「“Cổ giả Thiên tử Hậu, lập Lục cung, Tam phu nhân, Cửu tần, Nhị thập thất Thế phụ, Bát thập nhất Ngự thê, dĩ thính thiên hạ chi nội trị, dĩ minh chương phụ thuận”; 古者天子后立六宫、三夫人、九嫔、二十七世妇、八十一御妻,以听天下之内治,以明章妇顺。」. Lúc này, nữ quan và phi tần chồng lên nhau, nhất là trong Chu lễ, phần “Thiên quan, Trủng tể” có minh xác quy định hành vi của Tam phu nhân trở xuống, và từ Cửu tần trở xuống biểu hiện, thì họ có thể đều là nữ quan kiêm tần phi của Thiên tử. Đây là nhằm mục đích 「"Nội hòa nhi Gia lý"; 内和而家理」, khiến bên ngoài triều và nội đình có trật tự như nhau. Ban đầu, nữ quan cùng phi tần (tức Nội mệnh phụ) rất lẫn lộn. Về sau, cụ thể là từ nhà Đường đến nhà Minh, nữ quan đã hoàn toàn tách ra khỏi thân phận phi tần, nhưng cũng có trường hợp vẫn còn chồng lên nhau, do vậy có danh xưng Nội quan (内官) cho tần phi và Cung quan (宮官) cho các nữ quan đúng nghĩa.

Qua các chế độ, nữ quan có vị thế phẩm trật cao không kém các nam quan. Do là người phục vụ trực tiếp Hoàng đế, các nữ quan cũng sở hữu vai trò lớn, không chỉ có được sự tôn trọng trong nội cung, mà còn được nghênh đón ở tiền triều. Thậm chí có trường hợp nữ quan tham dự triều chính, dù kì thực không có quyền lợi này. Cựu Đường thư còn ghi nhận một chuyện, con trai thứ của Đường Cao Tổ Lý Uyên, Thư vương Lý Nguyên Danh từng được sư phó khuyên đến thăm hỏi Thượng cung đương thời, do bà đang có phẩm trật cao. Nhưng Lý Nguyên Danh cự tuyệt, cho rằng Thượng cung chỉ là gia tì của Nhị Ca (Đường Thái Tông), sao phải hành lễ[1]. Về phương diện học vấn, đại đa số nữ quan đều phải có văn tài, vài người chỉ là Mệnh phụ nhưng được dùng lễ mời vào cung để phụ trách quản lý việc dạy dỗ trong nội cung. Ví dụ như Ban Chiêu đời Đông Hán vì vị thế gia đình họ Ban, được Đặng Thái hậu nhận làm sư phụ, đương thời gọi Tào đại cô (曹大家). Hàn Lan Anh đời Lưu Tống dâng lên bài "Trung Hưng phú", được chiêu nạp vào đảm nhiệm chức bác sĩ trong cung, dạy học cho cung nhân, nhân vì học vấn uyên bác, lại tuổi cao đức tốt, được kính gọi là Hàn công (韓公). Ngoài ra còn có năm chị em Tống Nhược Chiêu vào giữa nhà Đường nhờ có tài học thanh phỉ, được Đường Đức Tông triệu vào cấm cung, được xưng là ["Học sĩ"] cùng ["Tiên sinh"] như các nam nhân bên ngoài.

Nữ quan nói chung là thường không được xuất đầu lộ diện, nhưng vẫn có những người có tài năng được phá lệ. Như Thượng Quan Uyển Nhi đời Võ Tắc ThiênĐường Trung Tông, thường giữ vị trí quan trọng trong cung, địa vị cực kì cao quý. Ngoài ra còn có Lục Lệnh Huyên, dựa vào việc từng là nhũ mẫu cho Bắc Tề Hậu Chủ Cao Vĩ mà nắm quyền, vượt lên trên cả Hoàng thái hậu và Hoàng hậu.

Vì phải lý các vấn đề của riêng Hoàng đế, nữ quan rất hay lẫn vào nhóm phi tần, chỉ cần Đế vương để mắt, thì liền muốn giao hoan cùng họ. Thượng Quan Uyển Nhi vốn là "Nội xá nhân", nhưng được Đường Trung Tông lâm hạnh trở thành tần phi. Lý Thần phi thời nhà Tống sơ vào cung đảm nhiệm chức "Ty tẩm", lúc lo việc giường chiếu áo mền cho Tống Chân Tông mà được đưa vào màn trướng. Hiếu Mục Kỷ Thái hậu vốn là Nữ sử tiền triều, chủ quản Nội tàng khố, Minh Hiến Tông ngẫu nhiên đi thị sát, thấy Kỷ thị ứng đối trôi chảy mà lâm hạnh. Đến thời nhà Thanh, nữ quan chỉ là các mệnh phụ được triệu vào giúp đỡ các loại lễ (xem Nữ quan nhà Thanh).

Các nước đồng văn

Murasaki Shikibu, là một Nữ phòng cho Hoàng hậu Fujiwara no Shōshi.

Tại Nhật Bản, từ thời Heian đã có chế độ Nữ quan, được gọi là Hậu cung Thập nhị ty, trong đó lại chia ra Nội thị ty chuyên gần gũi thị hầu Thiên hoàng, và 11 Ty khác lại có nhiệm vụ chưởng quản các vấn đề bên dưới. Họ thường là thành viên của các gia đình quý tộc đưa vào. Về cơ bản, các Nữ quan đều phải là những người có học thức và xuất thân cao quý có thế lực[2].

Suốt thời kì Heian, các Nữ quan giữ những chức danh quan trọng phục vụ nhu cầu của Thiên hoàng và các hậu cung. Một trong những điều kiện cần có để trở thành một Nữ quan là họ phải biết những kiến thức về chữ Hán và được giáo dục tốt bởi các kinh thư Trung Hoa, như Tứ thư, Ngũ kinh[3]. Các Nữ quan có nhiều cách gọi, trong đó có địa vị 「Nữ phòng 女房; Nyōbō」 xuất hiện như một dạng Nhũ mẫu hay Phó mẫu, không chỉ có ở hoàng cung mà còn xuất hiện trong các tư dinh của quý tộc quyền thế khắc trong xã hội Nhật Bản. Những nữ phòng thời kì này phải kể đến Murasaki Shikibu, Sei Shōnagon, Izumi ShikibuAkazome Emon.

Trong thời kì Sengoku, vị trí Nữ quan trở nên quan trọng hơn khi họ là người trung gian chủ yếu giữa Thiên hoàng và các triều thần, họ quản lý toàn bộ mọi việc trên dưới của nội cung, lên lịch làm việc, viếng thăm và nhận quà cáp cống phẩm. Khác với Trung Hoa, các Nữ quan Nhật Bản trở thành người quản lý hậu cung chính thay các Hoạn quan. Nữ quan phục vụ cơ bản chia làm hai loại. Một loại thì rất thân cận với Thiên hoàng, quản lý mọi việc nhu yếu phẩm của Thiên hoàng và có thể trở thành phi tần nếu được sủng hạnh. Còn loại thứ hai chỉ làm những việc bên ngoài, hoặc phục vụ cho các cung phi[4].

Sang thời Edo, Mạc phủ Tokugawa muốn thể hiện quyền thế của mình, cho xây dựng Ōoku với một cơ chế Nữ quan không thua kém gì hoàng thất. Các Nữ quan trong Ōoku đều tuân thủ thứ bậc nghiêm ngặt, cũng xuất thân từ tầng lớp samurai quyền quý và chịu sự giáo dục hoàn hảo để có thể phục vụ các Shogun. Cũng như Nữ quan Hoàng thất, một Nữ quan Ōoku nếu được sủng hạnh vẫn có thể trở thành ngự thiếp với những biệt đãi tương xứng. Họ được biết đến là 「Áo nữ trung; 奧女中」.

Nữ sử Đạm Phương.

Trong lịch sử Việt Nam, cũng có một số các Nữ quan đi vào lịch sử. Nữ quan Phạm Thị Trân là một nữ nghệ sĩ thời Đinh và cũng là người phụ nữ đầu tiên được phong làm quan trong thời đại phong kiến ở Việt Nam.[5][6][7] Dựa theo câu chuyện về Huệ Chân công chúa, con gái của Nữ quan Vương thị và Trần Anh Tông, có thể hình dung Nữ quan thời kì này có thể được Hoàng đế sủng hạnh.

Thời Hậu Lê, có bà Nguyễn Thị Lộ đời Lê Thái Tông vốn là thị thiếp của Nguyễn Trãi, sau do được Lê Thái Tông để ý cùng tài ăn nói, đã được giữ chức vụ Lễ nghi học sĩ, giúp đỡ giáo huấn các cung nhân. Sau đó, Ngô Chi Lan đời Lê Thánh Tông là chị em họ của Hoàng đế, hay vào cung hầu Hoàng đế mỗi dịp tiệc tùng và thi ca, thời bấy giờ bà rất có quyền thế. Vào thời nhà Mạc, có bà Nguyễn Thị Duệ cải nam trang mà đi thi, đỗ được tiến sĩ. Sau bà bị phát hiện, tuy vậy bà không bị trừng phạt mà còn giữ tước vị Nữ quan cao cấp để dạy bảo cung nhân. Thời cuối Lê trung hưng, có Đoàn Thị Điểm nổi tiếng văn thơ, cũng từng được triều đình nhà Lê cho vời vào cung để dạy bảo cung nhân. Các Nữ quan trong phủ chúa thì có Chính phủ Thị nội cung tần Thượng hòa Trương Thị Trong, Thị nội cung tần Trương Thị Viên, Giáo thụ Phan Thị Toán,... đều là những Nữ quan kiệt xuất.

Sang thời nhà Nguyễn, chế độ triều nghi đủ đầy, có Bà Huyện Thanh Quan được Minh Mạng (có thuyết nói là Tự Đức) cho với vào cung, giữ chức "Cung trung Giáo tập" để dạy học cho các công chúa và cung phi. Sau đó thời Tự Đức, có Nguyễn Thị Bích nổi tiếng văn thơ, triệu vào cung làm chức "Thượng nghi viện", sau lên Tiệp dư, đương thời gọi bà là "Tiệp dư phu tử" vì bà hay giảng giải kinh sách cho Kiến PhúcĐồng Khánh. Cuối đời Nguyễn, có Đạm Phương xuất thân từ hoàng tộc giữ chức "Nữ sử" trong cung.

Các Thượng cung (상궁).

Còn tại lịch sử Hàn Quốc, nhà Triều Tiên cũng có chế độ Nữ quan, khác với hầu hết các quốc gia thì Nữ quan Triều Tiên đa phần không đòi hỏi học thức lắm, họ là các Lão nội nhân từ hàng cung nữ đề bạt lên. Nhiệm vụ chính của họ là hầu hạ Quốc vương, Vương phi và quản lý các công việc lớn nhỏ khác nhau, được chia ra làm các cơ quan lớn nhỏ khác nhau. Những Nữ quan đứng đầu các bộ phận, được gọi chung là các 「"Thượng cung"; 尙宮; 상궁」.

Do quy định cố định, một cung nữ phục vụ tối thiểu 30 năm trong cung mới có thể trở thành Thượng cung, nên đa phần đều trên 40 tuổi, trẻ nhất cũng phải hơn 35 tuổi nếu họ là các cung nữ vào cung từ khoảng 5 tuổi. Theo quy định, họ không thể kết hôn và phục vụ cho vương thất đến khi chết. Xuất thân của họ rất đa dạng, đa phần là nữ tỳ trong phủ quan lại tiến cử đưa vào cung hoặc là tầng lớp trung lưu có truyền thống làm việc trong cung. Gần như không có một Nữ quan nào tiêu biểu được biết đến ở Triều Tiên, vì họ phụng sự đến già và lặng lẽ. Các Thượng cung khi đến tuổi già, trở về nhà và tiến cử con cháu trong nhà của mình lên nối chức, có rất nhiều gia tộc đời đời vào cung. Những cung nữ ngẫu nhiên cũng có thể được sủng hạnh, lúc này bất chấp họ chưa đủ tuổi hay thâm niên lâu, đều được gọi là 「"Thừa Ân Thượng cung"; 승은상궁; 承恩尙宮」.

Chế độ Nội mệnh phụ hà khắc khiến tôn ti rất rạch ròi. Trương Hy tần nổi tiếng, vốn là con gái tội thần, sau vào làm cung nữ và chiếm trọn sự sủng ái của Triều Tiên Túc Tông, đi lên từ Thừa Ân Thượng cung rồi Tần. Về sau bà từng làm Vương phi và sinh ra Triều Tiên Cảnh Tông. Sự kì tích không dễ thấy này khiến Trương Hy tần trở thành hậu cung nổi tiếng nhất lịch sử Triều Tiên.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nữ_quan http://www.encyber.com/search_w/ctdetail.php?maste... http://100.nate.com/dicsearch/pentry.html?s=K&i=25... http://sankhau.com.vn/news/lich-su-va-dac-diem-ngh... http://phunutoday.vn/blog-nguoi-noi-tieng/tham-cun... https://erenow.net/biographies/elizabethofyork/15.... https://ctext.org/wiki.pl?if=gb&chapter=780426 https://zh.wikisource.org/wiki/%E5%AE%8B%E6%9B%B8/... https://zh.wikisource.org/wiki/%E6%96%B0%E5%94%90%... https://zh.wikisource.org/wiki/%E8%88%8A%E5%94%90%...